“Mọi thế hệ đều mất mát bởi một cái gì đó, đã luôn như thế và sẽ luôn như vậy”
Chắc hẳn, các bạn đã từng nghe đến khái niệm “thế hệ mất mát” - une génération perdue. Đó là khái niệm mà Ernest Hemingway đã đưa khá nhiều vào các tác phẩm của mình. Nó thường được dùng để chỉ những người trẻ đã đi qua chiến tranh và đánh mất ở đó không chỉ máu và thịt, mà còn là sự thơ ngây và khát vọng sống.
Nó được sử dụng từ sau thế chiến thứ nhất, rồi tới thế chiến thứ hai, chiến tranh Việt Nam và ngay cả hiện tại, khi tiếng súng đã lặng im thì nó vẫn được sử dụng để nói về những người trẻ sống không mục đích và ý nghĩa.
Những người trẻ trong bài viết của tôi dưới đây cũng phần nào như vậy. Tôi không phải là chuyên gia, cũng chẳng phải nhà bình luận giỏi giang, cao siêu gì. Tôi chỉ là một độc giả rất bình thường. Nhưng chính vì ở vị thế là độc giả, tôi mới có thể bao quát được những gì mà những bạn trẻ đó làm hàng ngày, những gì mà truyền thông tung hô về họ.
Những việc họ làm, những câu họ nói,... đều là sản phẩm của sự ngu dốt, trống rỗng và vô định hướng. Tất cả những gì họ cần là hiện tại, sự phấn khích vì được chú ý và niềm vui khó hiểu khi nhận được những lời miệt thị công kích từ cư dân mạng.
Họ - những người trẻ mắc bệnh yêu bản thân, phớt lờ mọi sự khinh bỉ và làm tất cả để có được một dòng tin trên các trang mạng điện tử trong vài ngày. Họ không mất mát tuổi thanh xuân, không mất mát tính người qua những cuộc chiến, nhưng họ đánh mất chính mình trong cuộc sống hiện đại đề cao sự thực dụng.
Nhưng độc giả chúng tôi lại thực sự bị tra tấn con mắt bởi vô số trò lố của họ. Chúng tôi bực bội và cả uất ức mà nghĩ rằng: nếu không có sự tiếp tay của truyền thông, các trò lố này đã không đi xa đến thế...
Vậy nên, hôm nay tôi xin phép viết về họ, về cách họ loay hoay tìm đường "phất" lên trong cỗ máy lăng xê đã bão hóa và những người trẻ đã ngấy ngán những hình mẫu lung linh.
1. Từ chuyện về những người trẻ bán danh dự để bị... chửi
Ảnh minh họa
Kiểu như một chàng gay sẵn sàng quay clip, chụp ảnh và phát ngôn những thứ lố bịch đến mức, người ta phải ôm đầu mà cầu mong sự lố bịch đó là chàng trai cố tình để gây sự chú ý. Bởi nếu lố bịch như vậy đã trở thành bản tính và chàng ta không hề ý thức được đó là lố bịch, thì đó hẳn là một căn bệnh tâm lý vô cùng nguy hiểm và rằng chúng ta đã trở thành những kẻ vô tâm khi cười cợt trên sự bất hạnh của người khác như vậy.
Các bạn biết đấy, liệu người tỉnh táo nào đó lại có thể tự quay clip uốn éo với một gương mặt rạng rỡ, và nói ra những lời kiểu như: “Tôi biết, tôi biết cách bạn yêu tôi”, hoặc “Trời ơi tôi đẹp tuyệt trần, tôi đẹp quá xá là đẹp”, hay “Nhiều người yêu tui quá đi tui không biết làm sao hết trơn á, đừng theo đuổi tui nữa mà tui biết là tui đẹp rồi”.
À, tôi biết một người cứ đứng trước gương và tự khen mình như vậy, tuy nhiên kết quả của bà ta lại không được tốt đẹp cho lắm và bà ta âm mưu giết người. Các bạn biết đấy, bà hoàng hậu trong Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn.
Ấy thế mà chưa hết, anh chàng này còn cứ thế được đà nhảy xổ vào ngành giải trí. Cậu ta đứng trên sân khấu của một cuộc thi âm nhạc, quỳ xuống cầu xin ban giám khảo để được vào vòng sau kẻo những kẻ ghét cậu ta sẽ cười trên sự thất bại này mất.
May mắn là ban giám khảo không đồng ý với sự hạ mình này (Tôi xin được nói theo cảm nhận chủ quan của mình khi đó: Một chiến thắng với tất cả những người yêu công lý!!). Thế rồi lặn lội ra hồ sen, lột sạch những gì cần lột để chụp một bộ ảnh tôn vinh vẻ đẹp của… hoa sen, với điểm nhấn chính choán toàn bộ ảnh là tấm thân trần trắng bóc.
Quả thật, sau khi những bức ảnh đó được tung ra, tôi cảm thấy thật sự nó đã phần nào lột tả được vẻ đẹp của hoa sen. Giống như chúng ta thường chụp ảnh với một đứa bạn xấu hơn mình để trông mình đẹp hơn vậy. Trường hợp này cũng thế, duy chỉ có điều là khoảng cách quá lớn và sự xuất hiện của bên xấu hơn lại quá kinh khủng nên tôi (và có lẽ là phần nhiều các bạn) lại cảm thấy thương hoa sen nhiều hơn khi bị đặt cạnh một đối tượng kinh hoàng đến vậy.
Các bạn biết đấy, người ta thường thương hoa nhài bị cắm vào bãi phân trâu, chứ đâu có ai thương phân trâu bị cắm hoa nhài vào nên bị dìm hàng. Âu cũng là sự bất công của loài người.
Lại nói đến những ông hoàng soi gương thần, dạo gần đây nổi lên một chàng đại gia Sài Thành nổi tiếng không chỉ về gia sản khổng lồ mà còn bởi vẻ đẹp trai.... chỉ mình chàng công nhận.
Chàng ta có hẳn một bộ sưu tập những câu nói bất hủ, nhiều trong số đó đã trở thành câu cửa miệng của các bạn trẻ. Đa phần các câu nói này đều thể hiện tình yêu say đắm, nồng nhiệt của chàng dành cho chính bản thân mình. Nghiêm túc đấy, ai trong chúng ta chẳng yêu bản thân cơ chứ, nhưng yêu cuồng nhiệt như chàng đại gia này thì quả thật tôi mới thấy lần đầu.
Bạn thấy đấy, người mà có thể dùng những câu như "da tôi trắng như ngọc", "Việt Nam không ai đẹp bằng tôi",... để miêu tả về vẻ đẹp xuất chúng của mình trước truyền thông, nếu không phải là diễn viên hài đang đóng phim thì người đó cũng đang phải vào viện tâm lý điều trị bệnh hoang tưởng.
Thế mà ta chẳng phải xem phim hay vào viện để tìm, lại có hẳn một người như vậy, sờ sờ ra trước mặt chúng ta, ngày ngày lên báo say sưa tấm tắc với vẻ đẹp và sự tài năng của mình, quả thực là có một và chỉ một mà thôi. Hoặc, lại một lần nữa, cũng giống như hotboy hồ sen, tôi thật lòng mong mỏi rằng chàng trai này chỉ đang.... giả vờ lố bịch như vậy mà thôi, vì một gia đình danh giá nhường vậy mà có một cậu con trai lố bịch đến tận trong máu để rồi bị người đời hàng ngày ném đủ những từ ngữ miệt thị vào mặt, thật sự là một bi kịch éo le nghĩ đến đã thấy có thể dựng thành phim.
2. Cho tới việc truyền thông đến tai người trẻ hay câu chuyện phiếm về loài chim
Ảnh minh họa
Người ta nói: Truyền thông là ngọn hải đăng soi đường cho giới trẻ. Nhưng chẳng có gì là tuyệt đối cả, đứng giữa một xã hội mà thông tin hàng ngày tràn đến mạnh mẽ như một cơn sóng thần, bạn phải trở thành một cái cây cổ thụ với gốc rễ bám sâu trong lòng đất, hoặc tự xây dựng tâm hồn mình một cách thông minh và vững chãi như những ngôi nhà của người Nhật - để có thể đứng vững trước những ngọn sóng càn quét như vũ bão.
Đây là một thế giới phẳng, mọi thứ đều công bằng, bạn đã trưởng thành và bạn phải tự xây dựng cho mình một bộ lọc để tìm đến những thứ mình yêu thích. Đừng đổ lỗi cho truyền thông về các thông tin hàng ngày, đó là cuộc sống đang diễn ra, thứ mà mọi người xung quanh bạn đang quan tâm.
Hơn hết, nó là sự thật. Bạn có thể nhắm mắt bịt tai làm ngơ, hoặc tiếp nhận nó trong nỗi buồn về sự xuống cấp của xã hội. Nhưng đổ tại cho những người mang những thông tin đấy đến với bạn là một điều không đúng. Bởi lẽ, suy cho cùng, họ không cướp giết hiếp để làm tin, họ chỉ đơn thuần là làm đúng với công việc của một người đưa tin mà thôi.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, từ sự thật, truyền thông sẽ chế biến thế nào để khi đến miệng người trẻ, đó là một món ngon hoặc một đĩa thức ăn bị cháy? Cho dễ hiểu, tôi xin kể một câu chuyện sau đây (tôi chỉ vừa nghĩ ra nó thôi, xin đừng ném đá cho khả năng tưởng tượng nghèo nàn của tôi nhé):
Có một đàn chim đang bay trên trời. Trên đường bay, chúng gặp một con lợn trắng ởn đang bì bõm ở hồ sen và kêu eng éc. Hai con vẹt loè loẹt đang ngồi cãi nhau quang quác, một con vẹt nhà giàu nhất quyết cãi là cái mỏ của mình là mỏ xịn, không hề cấy gọt, thẩm mỹ gì.
Con vẹt kia tự xưng là "hot" vẹt, vẹt đẹp trai nhất làng vẹt, quả quyết rằng con vẹt nhà giàu thật ra chẳng giàu lắm, nhưng phải thẩm mỹ nát cái mỏ, dùng đủ mánh photoshop mới được long lanh lừa tình. Cứ thế, đám lợn và vẹt làm ầm ĩ cả một vùng đầm.
Đàn chim sà lại, chăm chú theo dõi cuộc ầm ĩ nọ. Một vài con chim đầu đàn đã trưởng thành nghĩ rằng đây là chuyện tầm phào của lũ trẻ bèn bay đi. Những con chim đó có nhiều chuyện to tát hơn để theo dõi. Một vài con chim còn lại đứng đó, chăm chú theo dõi câu chuyện và đem kể với lũ chim non khác những câu chuyện khác nhau như sau:
Một con chim nói: Một con lợn đẹp kiều diễm khoe nước da trắng hồng bên hoa sen. Hai con vẹt đẹp trai cãi nhau về sự đẹp trai của mình.
Một con chim khác lại nói: Con lợn đẹp kiều diễm thấy buồn vì mọi người chỉ thấy thân hình núng nính của nó chứ không thấy vẻ đẹp thoát tục khi chụp trong đầm sen.
Một con chim khác kể: Dù phơi mình trong đầm sen, nhưng thật ra con lợn kiều diễm rất sợ nắng.
Con chim khác lại nói: Con lợn trắng nude để... ủng hộ World Cup thôi chứ có làm gì ai đâu.
Còn đây là lời của một con chim khác: Vẹt đẹp trai nhất làng vẹt dội gáo nước lạnh vào mặt vẹt nhà giàu đẹp nhất vùng.
Con chim khác chêm lời: Vẹt đẹp trai nhất làng vẹt dù chửi như hát hay vào mặt vẹt nhà giàu nhất làng vẹt nhưng vẹt đẹp trai nhất làng vẹt không ghét vẹt nhà giàu nhất làng vẹt.
Cứ thế, cứ thế, những câu chuyện của các con chim này lan truyền ra cho những con chim non khác. Chúng tò mò bay đến cái đầm để tận mục sở thị cuộc “quang quác” của con lợn và những con vẹt. Chúng cười nhạo có, chế giễu có, chúng tận hưởng từng giờ phút những con lợn, con vẹt làm trò.
Con lợn và hai con vẹt lại lấy thế làm hay, lợn thì càng cố uốn éo, vẹt thì càng cố cãi nhau to hơn. Ai cũng chắc mẩm rằng lần này mình nổi tiếng to. Lũ chim non thì càng cười cợt tợn và cứ đứng ở đấy tận hưởng cuộc “quang quác” mà không hay rằng mùa đông đã sang và chúng sắp mất cơ hội để bay đi tránh rét.
Kết cục, con lợn và hai con vẹt vẫn quang quác và kiếm được nhiều tiền nhờ các hãng bán cám chim nhờ treo banner trước cái đầm, chỉ có lũ chim non bị chết đói và đóng băng giữa trời đông lạnh.
Đây chỉ là một câu chuyện phiếm thôi, phải không nào? Dù sao thì tôi cũng hy vọng nó khiến bạn nhận ra một điều gì đấy. Ít nhất là sau bài viết này, hãy đừng Google để tìm xem loài lợn thực ra là ai và hai con vẹt thực ra là ai. Bạn hẳn không muốn biến thành con chim non chết đói chết rét, và để cho lũ lợn và lũ vẹt tiếp tục quang quác đấy chứ?
3. Vĩ Thanh
Một phụ nữ sống giữa giai đoạn đặt nặng đức hạnh như nhà văn Charlotte Bronte từng nói: Tôi thà được vui vẻ còn hơn là một người có phẩm giá. Nhưng khi tôi nhìn những bạn trẻ giống như chàng trai mà tôi vừa nhắc đến ở trên. Tôi cảm thấy rằng liệu có chăng chúng ta đã quá coi nhẹ những phẩm giá, những đức hạnh?
Chúng ta cứ vô tư sống trong một thời đại mới với những tiêu chuẩn mới về đạo đức, cười nhạo vào những giá trị xưa cũ mà không hề quan tâm rằng, chính những giá trị đó đã làm nền móng, giá đỡ cho cả một xã hội hiện đại không bị sụp đổ. Còn bạn, bạn có cảm thấy như vậy không?
Cảm thấy rằng ngu ngốc là một cái quyền của tuổi trẻ? Tôi có thể cảm nhận được phần nào điều đó. Nhưng tôi chỉ thắc mắc về giới hạn của sự ngu ngốc ở đây là gì? Nó có giới hạn không hay là dương tận cùng?
Thế rồi, tôi chợt nhận ra là câu trả lời nằm ở vế thứ 2: Dương tận cùng. Càng ngày các bạn trẻ càng biết cách đẩy giới hạn đó thêm một bậc, tôi không rõ rằng điều đó có khiến tuổi trẻ của họ đáng nhớ hơn không. Điều này có lẽ chỉ có thì tương lai mới trả lời được, ở thì hiện tại, sự dốt nát và hợm hĩnh đó trở thành một món đặc sản chẳng ai muốn ăn nhưng ai cũng phải ngửi và buồn nôn vì mùi hôi thối của nó.
Bài viết thể hiện quan điểm của đọc giả
Theo Trí Thức Trẻ